Kế Toán Tài Chính Nguyên Lý Kế Toán Chế độ kế toán doanh nghiệp mới nhất hiện nay

Chế độ kế toán doanh nghiệp mới nhất hiện nay

9
Chế độ kế toán doanh nghiệp mới nhất hiện nay
Chế độ kế toán doanh nghiệp mới nhất hiện nay

Chế độ kế toán là một công cụ quản lý quan trọng của nhà nước. Nó giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về ghi chép, báo cáo và công khai thông tin tài chính, từ đó hỗ trợ công tác giám sát, kiểm tra và điều tiết nền kinh tế.

1. Chế độ kế toán là gì? 

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Kế toán 2015 quy định: Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán ủy quyền ban hành.”

Nhìn chung, chế độ kế toán giúp đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong việc ghi nhận, xử lý và báo cáo thông tin tài chính theo quy định của pháp luật. Việc tuân thủ chế độ kế toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính mà còn tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

2. Tổng hợp các văn bản hướng dẫn chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp mới nhất

Hiện nay, chế độ kế toán doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật sau:

2.1. Chế độ kế toán theo TT200

Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 do Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp, bao gồm quy định về ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính. Thông tư này không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước. Nó áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vận dụng linh hoạt theo đặc điểm kinh doanh và nhu cầu quản lý của mình.

2.2. Chế độ kế toán theo TT133

Thông tư 133/2016/TT-BTC, ban hành ngày 26/8/2016 và có hiệu lực từ 01/01/2017, hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế, tuân thủ quy định pháp luật. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng không bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ do nhà nước sở hữu, công ty đại chúng theo quy định pháp luật chứng khoán, cũng như hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã theo Luật hợp tác xã.

2.3. Chế độ kế toán theo TT132

Thông tư 132/2018/TT-BTC, ban hành ngày 28/12/2018 có hiệu lực từ ngày 15/02/2019 và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu từ 01/04/2019. Về nội dung, thông tư này quy định chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo thu nhập tính thuế hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.

3. Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp hiện nay bao gồm Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ. Các chỉ tiêu không có số liệu sẽ không cần trình bày trong Báo cáo tài chính, và doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại thứ tự các chỉ tiêu sao cho đảm bảo tính liên tục trong từng phần của báo cáo.

Báo cáo tài chính năm:

– Bảng cân đối kế toán

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính giữa niên độ:

– Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:

  • Bảng cân đối kế toán giữa niên độ
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ
  • Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc

– Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:

  • Bảng cân đối kế toán giữa niên độ.
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ.
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ.
  • Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc.
Hiện nay, chế độ kế toán doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể
Hiện nay, chế độ kế toán doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể

4. Tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp để áp dụng chế độ kế toán

Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Cụ thể, tiêu chí để xác định quy mô doanh nghiệp như sau:

– Quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ:

+ Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, xây dựng, công nghiệp: Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

+ Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

– Quy mô doanh nghiệp nhỏ:

+ Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng: Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người, tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng.

+ Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng.

– Quy mô doanh nghiệp vừa:

+ Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng: Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.

+ Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Số số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.

Lưu ý: 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có thể áp dụng chế độ kế toán theo TT200/2014/TT-BTC với điều kiện phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý và áp dụng trong năm tài chính một cách nhất quán. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn áp dụng lại chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC cũng cần thông báo lại với cơ quan thuế quản lý và thực hiện từ đầu năm tài chính.

Doanh nghiệp cần lựa chọn áp dụng chế độ kế toán phù hợp
Doanh nghiệp cần lựa chọn áp dụng chế độ kế toán phù hợp

5. Những quy định cần nắm rõ trong công tác kế toán

– Đơn vị tiền tệ:

Doanh nghiệp sử dụng Việt Nam đồng (VND) để hạch toán. Giao dịch bằng ngoại tệ phải ghi nhận theo nguyên tệ và quy đổi sang VND theo tỷ giá thực tế. Nếu ngoại tệ không có tỷ giá trực tiếp với VND, phải quy đổi qua một ngoại tệ khác. Doanh nghiệp có thể chọn hạch toán bằng ngoại tệ chủ yếu sử dụng nhưng phải thông báo với cơ quan thuế.

– Chữ viết, chữ số:

Kế toán sử dụng tiếng Việt, có thể kèm ngôn ngữ khác nếu cần. Chữ số dùng hệ Ả Rập (0-9), dấu chấm (.) phân tách hàng nghìn, triệu, tỷ; dấu phẩy (,) phân tách phần thập phân.

– Kỳ kế toán: Là thời gian được sử dụng để ghi sổ kế toán, bao gồm:

+ Kỳ kế toán tháng: 1 tháng, từ ngày 01 đến cuối tháng.

+ Kỳ kế toán quý: 3 tháng, từ đầu quý đến cuối quý.

+ Kỳ kế toán năm: 12 tháng, từ 01/01 đến 31/12.

Kỳ kế toán đầu hoặc cuối dưới 90 ngày có thể gộp với kỳ kế toán khác, tối đa 15 tháng.

–  Năm tài chính: Có độ dài tương đương 12 tháng (hoặc 52-53 tuần), thường trùng năm dương lịch (01/01 – 31/12), được sử dụng để hạch toán và báo cáo tài chính. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể áp dụng năm tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính.

– Chứng từ kế toán: Là tài liệu ghi nhận giao dịch kinh tế, làm căn cứ ghi sổ kế toán, đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

– Sắp xếp và lưu trữ chứng từ:

+ Sắp xếp: Có 2 cách sắp xếp chứng từ là sắp xếp theo loại chứng từ hoặc sắp xếp theo nội dung giao dịch, đảm bảo hệ thống và theo trình tự thời gian.

+ Lưu trữ:

  • Chứng từ không dùng khai thuế hoặc ghi sổ: Lưu tối thiểu 5 năm.
  • Chứng từ dùng khai thuế hoặc ghi sổ: Lưu tối thiểu 10 năm.
  • Chứng từ liên quan an ninh, quốc phòng: Lưu tối thiểu 20 năm.

Tạm kết: 

Chế độ kế toán đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và tuân thủ pháp luật trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Việc đảm bảo tuân thủ pháp lý không chỉ giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả mà còn tạo niềm tin đối với các bên liên quan.